Đó là kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 498/QĐ-TTg ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và MN” giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng cường kiểm tra hoạt động các mô hình điểm
Triển khai thực hiện Đề án 498 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn II (2021 - 2025) trên địa bàn, công tác tuyên tuyền, vận động được chú trọng. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các xã vùng sâu, vùng xa và 11 mô hình điểm, nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn cao bằng nhiều hình thức như: phối hợp với Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục công tác dân tộc tuyên truyền về các chương trình, chính sách dân tộc; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 11 cuộc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa như tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình thông qua các tiểu phẩm, phát băng đĩa hình…
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Để kịp thời cung cấp thông tin, kiến thức về hôn nhân, gia đình và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền tại cơ sở, năm 2021, 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, Ban Chỉ đạo xã thực hiện mô hình điểm biên soạn và phát hành 3.000 cuốn Bản tin “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” (cấp cho Ban Chỉ đạo cấp xã, nhóm nòng cốt, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trường học của 11 mô hình điểm Đề án) để tuyên truyền trực tiếp đến người dân, học sinh... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong tuân thủ, chấp hành pháp luật, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục duy trì triển khai hoạt động của 11 mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2020 tại các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì (1 mô hình tại trường học và 10 mô hình tại các xã ĐBKK). Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra trực tiếp tại các mô hình điểm, nắm bắt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các mô hình; nắm bắt thực trạng, xu hướng và nguy cơ tiềm ẩn tình trạng tảo hôn trên địa bàn; công tác xử lý vi phạm các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết của cấp ủy, chính quyền địa phương…
Huy động tham gia của cộng đồng ngăn ngừa, giảm thiểu
Đối với Tiểu Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và MN”, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội mọi người cùng chung tay ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đối với cấp tỉnh, Ban Dân tộc đẩy mạnh việc cấp phát tài liệu, tuyên truyền, vận động. Nhất là thực hiện 6 cuộc hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới... với hình thức tổ chức các buổi ngoại khóa, sân khấu hóa hội thi “Rung chuông vàng” tại các trường PTDT nội trú, PTDT nội trú THCS trên địa bàn, thu hút hơn 1.500 học sinh và các thầy cô giáo tham gia.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh duy trì và triển khai 14 mô hình điểm tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Căn cứ kinh phí được giao hằng năm, các huyện lựa chọn nội dung hoạt động của mô hình phù hợp với địa phương. Trong đó, có việc thành lập các điểm truyền thông, vận động. Thành lập câu lạc bộ, các nhóm nòng cốt như: người có uy tín trong cộng đồng; nhóm phụ nữ; thanh niên; học sinh, sinh viên người DTTS tại thôn bản, trường học để tuyên truyền, vận động, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.